Khớp gối có vai trò quan trọng giúp nâng đỡ cơ thể trên từng bước chân trong suốt một đời người. Với kết cấu phức tạp và cấu tạo từ nhiều phần khác nhau, khớp gối rất dễ gặp chấn thương, đặc biệt là khi vận động mạnh, thường gặp nhất là hiện tượng đứt dây chằng khớp gối. Vậy dây chằng đầu gối nằm ở đâu và tại sao bộ phận này lại dễ bị tổn thương đến thế?

1. Cấu tạo khớp gối

Khớp gối là một trong các khớp lớn nhất của cơ thể con người và là bộ phận thường phải chịu nhiều tổn thương nhất, nhất là hệ thống dây chằng khớp gối. Khớp gối được cấu tạo bởi 3 thành phần cơ bản, bao gồm:

  • Cấu trúc xương: xương lồi cầu đùi, mâm chày, xương bánh chè.
  • Lớp sụn bao bọc đầu xương: có tác dụng giảm ma sát trong quá trình cơ thể vận động.
  • Cấu trúc phần mềm: Trong khớp (bao gồm dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau), và ngoài khớp (bao gồm gân, cơ, dây chằng bên trong, dây chằng bên ngoài). Hệ thống gân, cơ và dây chằng này có tác dụng cố định các khớp xương ở vùng gối, giúp cho các hoạt động co duỗi, đi lại của cơ thể diễn ra thuận lợi, đơn giản và vững chắc.
Cấu tạo khớp gối - lý do giải thích tại sao khớp gối dễ chấn thương
Cấu tạo hệ thống dây chằng khớp gối

2. Tỷ lệ chấn thương đứt dây chằng khớp gối

Tại Việt Nam, tỷ lệ người bị chấn thương đầu gối mà nhất là tại dây chằng khớp gối là khá cao, phổ biến nhất là ở nam giới. Đối tượng thường gặp chấn thương gối là những người hay tham gia các hoạt động thể thao di chuyển nhiều với cường độ cao, như bóng đá, cầu lông, tennis,... và cả những công nhân lao động nặng nhọc.

Vì khớp gối là một khớp khá lỏng lẻo nên trong quá trình tập luyện rất hay bị tổn thương, chẳng hạn như trật khớp, đứt dây chằng chéo, tổn thương sụn, gãy xương... trong đó đứt dây chằng chéo trước là chấn thương chiếm tỷ lệ cao nhất. Theo thống kê, tại Mỹ mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp bệnh nhân nhập viện để điều trị đứt dây chằng chéo trước. Trong khi đó, trong các loại chấn thương ở khớp gối, tỷ lệ bị đứt dây chằng chéo sau đơn thuần chỉ chiếm chừng 5-10%.

Mặt khác, dây chằng chéo trước bị đứt khiến cho phần mâm chày bị di lệch ra phía trước xương đùi, dẫn đến khớp gối trở nên lỏng lẻo hơn, hay bị trật, mất đi sự vững chắc, khiến người bệnh đau đớn, đi lại gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này kéo dài có khả năng dẫn đến nhiều tổn thương ngày càng nghiêm trọng hơn, như thoái hóa khớp, teo cơ, rách sụn chêm... khiến cho việc điều trị ngày một phức tạp hơn.

Cấu tạo khớp gối - lý do giải thích tại sao khớp gối dễ chấn thương 1
Khi gặp chấn thương cần đi khám ngay để tránh xảy ra biến chứng

3. Tại sao khớp gối dễ gặp chấn thương?

Khớp gối là một khớp rất quan trọng với cơ thể, vì hầu hết các cử động đều liên quan đến vùng đầu gối dù ít hay nhiều. Bên cạnh đó, khớp gối còn có nhiệm vụ nâng đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể nên rất dễ bị đau nhức, khó chịu, thậm chí là chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như đứt dây chằng khớp gối: chéo trước, chéo sau, bên trong hay bên ngoài.

Đặc biệt, dây chằng chéo trước có thể bị tổn thương trong một số tình huống vận động sau đây:

  • Dừng lại đột ngột
  • Thay đổi hướng quá nhanh
  • Tiếp đất không tốt sau khi nhảy;
  • Va chạm hoặc tiếp xúc trực tiếp với lực mạnh, ví dụ như va đập đầu gối vào vật cứng hoặc té đập đầu gối xuống đất trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho rằng các vận động viên nữ có tỷ lệ bị đứt dây chằng chéo trước cao hơn hơn so với vận động viên nam trong một số môn thể thao nhất định. Nguyên nhân là do nam và nữ có sự khác biệt trong đặc điểm thể chất, sức mạnh cơ bắp và hoạt động thần kinh - cơ. Một số nguyên nhân khác bao gồm sự khác nhau trong trục xương chậu - chi dưới, làm cho dây chằng có xu hướng trở nên lỏng lẻo hơn. Hơn nữa, sự tác động của nội tiết tố estrogen ở nữ cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tính chất của dây chằng.

Về mức độ, tổn thương đa dây chằng khớp gối được xếp vào loại tổn thương rất nặng, thường gặp ở người bị tai nạn giao thông kiểu xe máy đè lên chân, thỉnh thoảng còn gặp trong chấn thương thể thao cường độ cao như cầu thủ đá banh chuyên nghiệp.

 

Cấu tạo khớp gối - lý do giải thích tại sao khớp gối dễ chấn thương 2
Chấn thương khớp gối thường xảy ra khi đá banh

Hiện tượng đứt dây chằng khiến khớp gối bị trật, lệch trục. Bệnh nhân cần đi khám với bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để chẩn đoán chính xác, không nên chịu đựng trong thời gian dài. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, để lâu có thể dẫn đến thoái hóa khớp gối, tình trạng càng nặng thêm, gây ra nhiều đau đớn khi vận động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên tại Việt Nam, các phương pháp điều trị đứt dây chằng khớp gối đã có nhiều bước tiến vượt bậc.

Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo khớp gối bằng kỹ thuật ALL INSIDE  với nhiều ưu điểm vượt trội như: đây là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, giúp sớm liền gân xương, thời gian mổ ngắn, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, giảm số ngày nằm viện sau mổ, giảm đau trong mổ và sau mổ tốt, khớp sau mổ vững, tạo điều kiện tập phục hồi chức năng sớm, bệnh nhân sớm trở lại sinh hoạt bình thường.

Khách hàng có tiền sử chấn thương khớp gối đã đi thăm khám vì gối lỏng và được chẩn đoán đứt dây chằng chéo, khách hàng bị chấn thương gối và đã được thăm khám và chẩn đoán đứt dây chằng chéo khớp gối . . .có thể thực hiện phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo bằng kỹ thuật ALL INSIDE để sớm trở lại cuộc sống thường nhật và thỏa mãn niềm đam mê vận động của mình.
Theo Vinmec