Trong quá trình sinh hoạt và chơi thể thao hàng ngày, không thể tránh khỏi những tình huống va chạm, chấn thương dây chằng đầu gối. Vậy làm thế nào để chẩn đoán chính xác tình trạng đứt dây chằng khớp gối và khi nào cần thực hiện phẫu thuật?

1. Vai trò của dây chằng chéo trước và sau

Hai dây chằng chéo trước và sau nằm ở vị trí bắt chéo với nhau, để khi xương gối chuyển động xoay vào bên trong, chúng sẽ căng ra và cuốn vào nhau, giữ cho trục khớp ổn định, không bị tách rời.

Dây chằng chéo trước có nhiệm vụ cố định khớp gối vững theo trục trước - sau, giữ cho xương chày không bị trượt ra phía trước so với xương đùi. Còn theo trục xoay, dây chằng chéo trước gối giữ chặt xương chày không cho nó xoay lệch vào trong so với xương đùi.

Đứt dây chằng chéo trước không ảnh hưởng nhiều đến chuyển động của khớp gối theo trục gấp - duỗi. Thế nhưng, khớp gối sẽ rất lỏng lẻo trong vận động xoay và xoắn vặn: nhất là khi xoay người, mà bàn chân đặt cố định dưới đất.

Dây chằng chéo sau là một dây chằng tương đối khỏe, dày hơn cả dây chằng chéo trước. Dây chằng chéo sau có cấu trúc gồm hai bó sợi chạy dọc từ trước ra sau, bám dính vào diện sau gai trên mâm chày và mặt sau ngoài của lồi cầu trong. Vai trò của nó ngược lại với dây chằng chéo trước: Giữ cho xương chày không bị di lệch ra sau so với xương đùi. Đứt dây chằng chéo sau ảnh hưởng đến khả năng co duỗi của chân, gây ra nhiều khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.

Như vậy, khi bị chấn thương dây chằng đầu gối, chức năng khớp gối sẽ suy giảm ít nhiều, đặc biệt là trong các hoạt động đòi hỏi sự linh hoạt, nhanh nhạy, mạnh và đột ngột như chơi các môn thể thao cường độ cao: bóng đá, tennis, bóng chuyền,... Nếu để lâu, có thể dẫn đến một số tổn thương thứ phát nghiêm trọng hơn, như hư khớp hay còn gọi là thoái hóa khớp. Khi đã tiến triển đến thoái hóa khớp gối thì việc phẫu thuật thay khớp gối sẽ trở nên phức tạp và tốn kém nhiều chi phí hơn so với điều trị đứt dây chằng gối khi phát hiện sớm.

2. Chẩn đoán đứt dây chằng chéo dựa vào đâu?

Khi bị chấn thương dây chằng đầu gối, bác sĩ thường chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu lâm sàng sau đây:

  • Giai đoạn cấp tính: Xảy ra ngay sau khi bị chấn thương, với các biểu hiện như đau, sưng gối, vận động khó khăn. Nếu không được phát hiện, thì các triệu chứng này thường giảm dần theo thời gian.
  • Giai đoạn mãn tính: Bệnh nhân bị đau mỗi khi vận động mạnh, nhất là chơi các môn thể thao.
Đứt dây chằng gối do chấn thương: Khi nào nên phẫu thuật?
Khám nghiệm lâm sàng chẩn đoán tình trạng đứt dây chằng chéo tại khớp gối
 

Việc chẩn đoán dựa vào các biểu hiện lâm sàng là chính. Khi thăm khám khớp gối, nếu phát hiện thấy dấu hiệu ngăn kéo ( trước – sau) (xương chày lệch so với xương đùi) là một dấu hiệu để chẩn đoán đứt dây chằng chéo. Ngoài ra, có thể chụp X-quang để đảm bảo không bỏ sót tình trạng gãy xương. Bên cạnh đó, chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể cho thấy hình ảnh của đứt dây chằng, tình trạng của sụn chêm, của xương và của các dây chằng khác. Kết quả từ các thủ thuật thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

3. Khi nào cần phẫu thuật đứt dây chằng gối?

Đối với các trường hợp tổn thương dây chằng chéo khớp gối ở mức độ vừa phải trên lâm sàng, không ảnh hưởng nhiều đến cấu trúc, xương đầu gối không quá lỏng lẻo, thang điểm chức năng khớp gối vẫn còn tốt thì có thể không cần can thiệp phẫu thuật. Bệnh nhân chỉ cần tuân thủ luyện tập vật lý trị liệu để làm khỏe các khối cơ và gân phía sau nhằm hỗ trợ thêm cho hệ thống dây chằng là có thể phục hồi được, chấn thương sẽ tự lành.

Tuy nhiên, nếu bị đứt dây chằng chéo mà có ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động và sinh hoạt, khám cận lâm sàng thấy tiên lượng xấu, để lâu có thể gây ra biến chứng thoái hóa khớp, thì có thể cân nhắc điều trị bằng phẫu thuật. Đối với đứt dây chằng chéo sau, phẫu thuật tạo hình cần phải chặt chẽ và phức tạp hơn so với dây chằng chéo trước. Vì vậy, trong mọi trường hợp, bệnh nhân cần được tư vấn trực tiếp bởi bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp, tránh trường hợp âm thầm chịu đựng tại nhà, nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng khác.
Theo Vinmec.com